Ngày 28/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, Hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai và tổ chức Forest Trends đồng phối hợp tổ chức Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh biến động thị tường – thực trạng và dự báo năm 2020”.
Tại hội thảo, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: tính đến hết năm 2019, cả nước có gần 4500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Trong đó, có 38 nghìn doanh nghiệp nội địa, chiếm 52% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của ngành gỗ đạt trên 10,3 tỷ USD. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam với kim ngạch từ 5 thị trường đạt 9,3 tỷ USD (chiếm 90% tổng kim ngạch). Trong các thị trường này, Mỹ là thị trường lớn nhất, đã nhập đến 5,1 tỷ USD các mặt hàng gỗ từ Việt Nam.
Năm 2019, ngành gỗ bỏ ra gần 2,55 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam, chủ yếu là gỗ nguyên liệu. Trung Quốc, châu Phi, Mỹ, EU là các nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị trên 1,7 tỷ USD; chủ yếu là gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ ván. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia cung cấp các loại ván lớn nhất cho Việt Nam.
Cũng tại hội thảo các chuyên gia cũng đưa ra dự báo năm 2020 có thể là năm biến động đối với ngành gỗ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại Trung Quốc, trong khi Trung Quốc lại là một trong những thị trường xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ rất quan trọng của Việt Nam. Thực tế, bức tranh thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc chủ yếu hình thành do nhóm các mặt hàng gỗ nguyên liệu. Dịch Covid-19 bùng phát tháng 12/2019 được cho là sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại giữ hai nước.
Các chuyên gia dự báo, sau 1-2 tháng tới, nếu dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải tìm kiếm nguồn hàng thay thế, hoặc đứng trước nguy cơ phải đình trệ sản xuất.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là nguồn cung phụ kiện quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng như: Dây đai, thanh trượt, bản lề, sơn, hoá chất… Dịch Covid-19 cũng đang làm cho nguồn cung này bị chững lại. Dự kiến, nguồn phụ kiện được nhập từ trước chỉ đủ để các doanh nghiệp duy trì được hoạt động trong 2 – 3 tháng tới; đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Theo thống kê, có 184 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động trong ngành gỗ tại Việt Nam, trong đó có 93 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam. Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, mà còn cả các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia khác hoạt động tại Việt Nam và phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc./.